8 thg 7, 2013

QUY TRÌNH KỸ THUẬT THÂM CANH GIỐNG LÚA THUẦN ADI 28


I. NGUỒN GỐC : Là giống lúa thuần chất lượng cao, được công ty ADI chọn lọc từ quần thể nguồn gen lúa thuần nhập nội từ Trung Quốc qua chọn lọc phả hệ.
II. ĐẶC ĐIỂM GIỐNG :
- Là giống cảm ôn, kháng đạo ôn và ít nhiễm bạc lá nên gieo cấy được cả hai vụ Xuân và Mùa.
- Thời gian sinh trưởng: vụ Xuân 115 – 120 ngày, vụ Mùa 100 – 105 ngày.
- Cao cây từ 110 – 120 cm, đẻ nhánh khá, hạt thon dài , màu vàng sáng.
- Khối lượng 1000 hạt là 24 – 25 gram, phẩm chất gạo mùi thơm cơm ngon, cơm dẻo, mềm.
- Năng suất trung bình 70 – 80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 110 – 115 tạ/ha.
- Cây cứng, chống đổ khá, chịu rét tốt.
III. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG :
3.1. Chân đất: thích hợp với chân đất vàn và vàn cao cho các tỉnh đồng bằng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
3.2. Phương pháp ngâm ủ:
- Đối với giống chuyển vụ ( giống mới thu hoạch) mà chưa hết thời gian ngủ phải có biện pháp phá ngủ cho  giống .
- Đối với giống không chuyển vụ thì ngâm ủ như sau: Ngâm thóc trong nước lã sạch 48 giờ ở vụ Xuân, 36 giờ ở vụ Mùa (tính cả thời gian ngâm xử lý thuốc). Trong thời gian ngâm cứ 6 – 8 giờ phải đãi và thay nước một lần, sao cho hạt thóc không có mùi chua. Khi hạt thóc đã hút đủ nước, đãi thật sạch, để ráo nước rồi đem ủ. Trong quá trình ủ phải kiểm tra, nếu hạt thóc khô tưới thêm nước. Khi thóc đã nứt nanh phải nhanh chóng đảo nhẹ, rải mỏng, hạ nhiệt độ chỉ còn khoảng 250C. Khi hạt thóc ra mộng và rễ đều, mộng mập, khô ráo, đem gieo.
Lưu ý: Dùng chậu, thùng để ngâm thóc. Không được dùng bao xác rắn, bao nilon để ngâm ủ giống lúa.
3.3. Thời vụ gieo cấy và mật độ cấy:
a.  Các tỉnh miền Bắc: Vụ Xuân gieo 01 – 10/2, cấy khi mạ đạt 3 – 4 lá. Vụ Mùa gieo 05 – 25/06, cấy khi mạ được 15 – 18 ngày tuổi. Mật độ cấy 38 – 40 khóm/m2, 2 – 3 dảnh/khóm.
Ngoài ra có thể áp dụng phương pháp gieo thẳng: Vụ Xuân gieo từ 15 – 20/2, vụ Mùa gieo từ 25/6 – 15/7, lượng giống cần 40 – 45 kg/ha.
b. Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Vụ Đông Xuân gieo 10 – 15/1, cấy khi mạ đạt 3 – 4 lá. Vụ Hè Thu gieo 20 – 25/5, cấy khi mạ được 15 – 18 ngày tuổi. Lượng giống cần 40 – 45 kg/ha.
Gieo thẳng: Vụ Đông Xuân gieo từ 20 – 25/1, vụ Hè Thu gieo 01 – 10/6. Lượng giống cần 40 – 45 kg/ha.
c. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Vụ Đông Xuân gieo thẳng 20 – 30/12. Vụ Hè Thu gieo thẳng 15 – 20/5. Lượng giống cần 70 – 80 kg/ha.
3.4. Phân bón: để đạt năng suất cao cần bón phân cân đối, tập trung, bón sớm và khuyến cáo sử dụng phân tổng hợp NPK bón lót và bón thúc. Lượng phân bón tùy theo từng loại đất, trên chân đất trung bình bón:
* Đối với phân tổng hợp NPK:
- Bón lót (trước khi bừa cấy): bón 560-700 kg/ha phân NPK (5:10:3) cho vụ Xuân; bón 420-560 kg/ha cho vụ Mùa.
- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): bón 340-360 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 25-30 kg/ha đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn.
- Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái): bón 80-100 kg/ha phân Kali clorua.
* Đối với phân đơn:
- Lượng phân bón cho 1 ha: 8 tấn phân hữu cơ hoặc 2 tấn phân vi sinh + 160-180 kg đạm Urê + 350- 400 kg Supe lân + 120-140 kg Kali clorua. Vụ Mùa, vụ Hè thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% lượng phân kali so với vụ Xuân.
- Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh), phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.
3.5. Tưới nước và phòng trừ sâu bệnh:
a. Tưới nước: Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa.
b. Phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.
*
Khuyến cáo:
- Thời vụ gieo cấy nên kết hợp theo hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông mỗi địa phương.
- Bón phân sớm, tập trung và cân đối, tuyệt đối không được bón đạm lai rai. Có thể sử dụng các loại phân tổng hợp NPK khác, bón theo hướng dẫn trên bao bì…

*. Kỹ thuật phá ngủ cho giống :   Kỹ thuật xử lý phá ngủ, kích thích nảy mầm đối với giống mới sản xuất  ta có thể chọn một trong hai cách sau:
            Cách 1: Xử lý bằng chế phẩm Pisomix (có bán ở các đại lý cung ứng thóc giống). Cách dùng gói 1gói pha với 1-1,5 lít nước sạch để ngâm cho 1 kg thóc giống trong 8 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch chua, nhớt và tiếp tục ngâm với nước sạch tuỳ từng loại giống theo kỹ thuật ngâm, ủ ở trên.
            Cách 2: Xử lý bằng Supe lân (Lân Lâm thao) dùng 0,5 đến 1 kg pha với 10 -15 lít nước, khuấy đều để lắng rồi gạn lấy nước trong để ngâm 10 kg thóc giống trong 8-10 giờ, sau đó vớt ra đãi sạch chua rồi tiếp tục ngâm ủ theo kỹ thuật ngâm, ủ ở trên.
 Lưu ý: Đối với hạt giống lúa mới phải xử lý nảy mầm thì thời gian ngâm tính từ khi xử lý hạt giống.
ADI : Cho Mùa vàng bội thu

1 nhận xét:

Unknown nói...

pH cây lúa chịu được la bao nhiêu

Đăng nhận xét

songdeyeuthuong.vp@gmail.com

:) :( :)) :(( =))